Giao thừa

SaveSavedRemoved 0
 
giao-thua-nnt
Ngặt gió chướng không thương nên đến hẹn lại rập rờn qua cửa. Ông chạy vào vạt đồng này thuê đất trồng dưa hấu. Năm đầu tiên, ông đốt rạ lên, nghe khói trên đất-người-ta cay sè con mắt. Lãng xẹt, ông tự cười, hai vạt đồng chỉ cách một con mương rộng, có xa đâu, mắc gì mà buồn. Dù thế, tha thểu trên đất quê người cảm giác cứ xót xa. Năm nay, mảnh đất mà ông thuê cũng rục rịch quy hoạch. Người chủ đất ngậm ngùi, “chắc là sau Tết tui giao giấy đỏ cho người ta, tìm phương kế khác làm ăn, ông cũng đừng có buồn… “.
 
Hôm vác dá ra ruộng để lên giồng, ông thấy giật mình vì đồng vắng tanh, vắng ngắt. Cỏ mọc bít những lối mòn trên bờ ruộng, bông cỏ vượt lên đầu ngọn lúa xanh rờn. Người trong xóm không còn tâm trạng để chăm chút đất đai, họ bồn chồn chạy qua chạy lại nhìn nhau, bồn chồn nói cười, bồn chồn ngó những ô xanh đỏ trên bản đồ quy hoạch, kìa, cái siêu thị đó nằm ngay trân đất nhà tui. Chộn rộn, nôn nả trước cuộc đổi đời, đám bạn rẫy của ông quên cả mùa dưa hấu đang tới.
 
Cả ngọn gió chướng liêu xiêu cũng không đủ để nhắc nhớ. Thành ra vạt đồng chỉ còn mình ông. Với một mùa ròng rãi… Tưới dưa xong, ông già ngồi hút thuốc ngó trời, nhớ thằng Bảy Trị, Ba Thám bây giờ người chạy xe ôm, người mở tiệm buôn bán nhỏ, tiệm bida, karaokê hay dạt đến một cánh đồng xa hơn, tiếp tục sống đời nông dân “ăn chắc, mặc bền”. Tết này, giữa chợ, ông sẽ gặp lại bao nhiêu người trong số đó? Hay cả một vùng dưa Lý Văn Lâm nổi tiếng chỉ còn tum húm đống dưa của ông?
 
(Trích đoạn trong tập truyện)

THÔNG TIN CƠ BẢN

Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư.
Thể loại: Văn học, Truyện ngắn.
Nhà xuất bản: NXB Trẻ.
Giai đoạn: Văn học VN đương đại.

CẢM NHẬN CỦA ĐỌC GIẢ

Có lẻ 1 đặc điểm không thể chối cãi của văn chị Tư là buồn, nó buồn day dứt đến nao lòng. “Giao thừa” của chị cũng không ngoại lệ, những câu chuyện chị viết ra là những kiếp người, những thân phận. Nhưng những con người trong văn chị nào có phẳng lặng bao giờ, nó trắc trở, gập ghềnh, đời người sao lắm đớn đau, sầu muộn.
 
Cái buồn mà chị viết ra như thấm vào da vào thịt người đọc, nó khiến người ta lặng đi mỗi khi đọc xong 1 mẩu chuyện, kiếp người sầu lắm vậy sao?! Văn chị chân chất thật thà người miền Tây vậy mà lại cứa đau những con tim khi lần giở từng trang sách của chị!
 
……..
Mỗi lần đọc tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư là mình lại buồn. Nỗi buồn da diết mênh mang bao trọn con người nguyên cả 1 buổi chiều, trách thầm thấy mình sao mà quá đa sầu đa cảm.
Văn phong của chị nhẹ nhàng, tưởng chừng như êm đềm nhưng chất chứa đầy tâm tư.
Tình cờ mượn của bạn cuốn ” Yêu người ngóng núi ” của chị,tôi cũng chẳng hy vọng gì nhiều về nó, chỉ là mượn đọc thử chơi..
 
Sự tình cờ đó như cái duyên phận, như tìm thấy cái gì đó mất đi, bỗng quay trở lại. Những tác phẩm của chị mang lại trong mình rất nhiều cảm xúc, nó không phải để đọc nhanh quên nhanh, nó ngấm từ từ, nhẹ nhàng, êm đềm mà da diết.
 
Nguyễn Ngọc Tư từng nói tác phẩm của chị như 1 trái sầu riêng, người thấy rất thích, còn người thì ngửi không nổi.
 
Văn phong chị viết không đại trà, bản thân cảm thấy vốn từ ngữ của chị quá sức phong phú và sâu săc, mình hầu như chẳng thấy chúng bị lặp lại, điều mà những cây bút trẻ ngày nay mình nghĩ không có được.
 
………
Cũng như “giao thừa” là thời điểm đứng giữa cái cũ và cái mới, từng truyện từng truyện trong tuyển tập này đều là một bức tranh còn dang dở vẽ nên những phận người “mắc kẹt” giữa dòng đời, tới không được mà lui cũng không xong. Những sợi dây tình dây duyên bị cắt đứt rồi không cách nào nối lại được, khiến người ta cứ mãi loay hoay mà lỡ dở một đời.
 
“Giao thừa” chưa hẳn là một tác phẩm xuất sắc tột bậc của Nguyễn Ngọc Tư, nhưng có những truyện ngắn bật lên và rất đáng thưởng thức, như “Cuối mùa nhan sắc” và “Dòng nhớ”. Ôi cái người đàn ông đó mà, khi si thì có thể si hết lòng mà khi bạc thì cũng có thể bạc hết mức, kiểu gì cũng chỉ làm khổ người đàn bà bên họ mà thôi.
 
(Đọc giả)
Xembooks
 
admin

admin

lúc nào cũng hỏi " đọc sách gì bây giờ?"

Thật hạnh phúc khi đọc cảm nhận của bạn!

Leave a reply

Nhặt nhạnh
Logo
Reset Password
Compare items
  • Total (0)
Compare
0