
Sau rất nhiều năm buồn tẻ, đời sống văn học vài ba tháng nay lại được hâm nóng một cách thầm lặng. Không tạo nên những cuộc tranh cãi ồn ào nhưng sáng tác mới nhất của cây bút trẻ Nguyễn Ngọc Tư đã và đang được người nọ truyền tai (và chuyền tay) người kia. Khi người đọc đã bắt đầu thấy quen thuộc với những câu chuyện dân dã hồn hậu, khi Nguyễn Ngọc Tư như đã không còn gây lạ nữa sau những tập truyện Biển người mênh mông, Giao thừa, Nước chảy mây trôi… thì bất ngờ Cánh đồng bất tậncủa cô xuất hiện. Một sự xuất hiện đủ sức gây ngỡ ngàng bằng một câu chuyện man dại và khốc liệt.
Vẫn là chuyện của những dòng sông, những vùng đất dọc ngang kênh rạch nhưng mọi sự ở đây đều bị đẩy đến tận cùng, đau đớn đến tận cùng, yêu thương đến tận cùng, cái giá mà con người ở đây phải trả cũng tận cùng oan nghiệt… Một câu chuyện có mở đầu và có kết thúc, sự hồn hậu vẫn còn đó nồng ấm mà cay đắng, nhưng cây bút 29 tuổi của mảnh đất Cà Mau lần này làm sửng sốt người đọc nhiều lần hơn cái năm cô 24 tuổi đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 (do NXB Trẻ và báo Tuổi Trẻ tổ chức) với tập truyện Ngọn đèn không tắt. Truyện viết xong vào tháng 7-2005, báo Văn Nghệ đăng tải vào tháng chín, nhưng ngay cả trước khi truyện được chính thức công bố, bằng cách nào đó nhiều người đã đọc Cánh đồng bất tận. Và cái tên Nguyễn Ngọc Tư ngay lập tức trở thành đề tài trong các câu chuyện văn chương. Mà cũng hiếm khi thấy như thế, không phải truyện cấm phát hành, cũng chẳng phải truyện “khó ra” nhưng bản thảo cứ được nhiều người hối hả truyền tay nhau đọc. Giống như một tin vui, một điềm lành, dân “sành đọc” người nọ hỏi người kia “đọc Cánh đồng bất tận chưa?”…
(Báo Tuổi Trẻ)
ĐOẠN TRÍCH:
“Những cánh đồng trở thành đô thị; những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát; những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa nghẽn trong bùn quách giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành. Những cánh đồng đó, đã hất hủi cây lúa (và gián tiếp từ chối đàn vịt). Đất dưới chân chúng tôi bị thu hẹp dần. Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã tự làm quẩn chân mình, vì không thể quay lại những cánh đồng cũ (với người quen cũ). Tôi gặp nhiều đứa trẻ tên Hận, tên Thù mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi, với đôi mắt sâu và chiếc mũi thẳng. Những đứa trẻ nhàu úa, cộc cằn, cắm cẳn, chỉ tiếng chửi thề là tươi rói, nhảy ra xoi xói ở đầu môi…”
THÔNG TIN CƠ BẢN
Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư
Thể loại: Văn học – Truyện ngắn – Tản văn
Nhà xuất bản: NXB Trẻ
Giai đoạn: Văn học VN đương đại
CÁC CẢM NHẬN CỦA NGƯỜI ĐỌC
Mình nghĩ sẽ không sai khi mình mượn tên tác phẩm của nhà văn Victor Hugo khi nghĩ đến những phận người có mặt trong cuốn sách này của cô Tư. Một giọng văn mộc mạc, chân chất nhưng lại có sức mạnh tiềm ẩn thật lớn lao. Mỗi một truyện ngắn là một phận người dở dang, đau khổ, có một bi kịch riêng của đời mình. Nhiều lúc ta có cảm giác như các nhân vật, các con người có trong tác phẩm của cô như đang lạc lối giữa một khoảng không rộng lớn trong chính tâm hồn, cuộc sống của họ. Đây là cuốn sách đầu tiên của cô Tư mà mình được thưởng thức, rất tuyệt vời và cũng rất ám ảnh!!
(Trương Như Ý đến từ Đà Nẵng)
Khi buồn đừng nên đọc sách của chị Tư. Nhưng có lỡ không thể đành buông. Cứ mãi bị cuốn vào cái hoang hoải mông lung mà đến là bình dị. Những người sống cùng nhau ngày qua ngày trên con ghe cũ nhàu, xanh xao. Người ta khóc, người ta cười, người ta trốn chạy những tháng ngày xa ngái xưa kia. Câu hỏi của Nương mấy ai trả lời được. ” Tôi biết lấy ai trong số đó? Lấy một người cắm mặt xuống đất, mệt nhừ với vườn ruộng để mỗi khi giáp hạt, tôi nghe tiếng cạo cháy của con, tiếng muỗng dừa vét gạo dưới đáy thạp mà rát bỏng trong lòng? Hay tôi sẽ chọn một người chăn vịt, mê mỏi với những chuyến đi xa, sống cuộc sống hờ hững tạm bợ, thấp thỏm với rủi ro … Tôi lấy ai bây giờ? Hay một người thợ gặt… “Tôi biết đến chị Tư cách đây không lâu. Đọc ” Sông” của chị mà đau đáu lòng, khắc tựa lòng câu” Nhắm mắt có nghĩa là bỏ lỡ”. Rồi tìm đọc tới trang sách của Cánh Đồng Bất Tận. Tiếc vì không đọc sách của chị sớm hơn. Tìm một cuốn sách mình đọc cho nhanh thì dễ còn cuốn sách khiến mình trầm lặng, gấp lại vì đau quá mới khó.
(Phương Thảo đến từ Hà Nội)
Phải nói trong số các tác phẩm văn học việt nam đương đại thì mình thấy có thiện cảm nhất với tập truyện ngắn này,cả về nội dung lẫn hình thức.Giọng văn nghe buồn chua chát và thật sự có khả năng lay động trái tim người đọc.Thích nhất là cách kể chuyện và dẫn chuyện hoàn toàn tự nhiên,dùng từ ngữ Nam Bộ trôi chảy khiến mình tuy là người Bắc mà cũng hiểu hết được những từ đệm,xưng hô,v.v…Xen giữa các truyện luôn có những bức hình minh họa được nhà in trình bày phù hợp.Đọc tập truyện này thật sự xúc động và khiến mỗi chúng ta phải suy ngẫm rất nhiều về các khía cạnh khác nhau của cuộc sống.
(Khải Kháu Khỉnh đến từ Hà Nội)